Khởi nghiệp từ ý tưởng thương hiệu sơn của người Việt

Sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại, anh Kiều Văn Hiệp (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn vững chí để xây dựng nên hãng sơn mang thương hiệu của người Việt.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/khoi-nghiep-tu-y-tuong-thuong-hieu-son-cua-nguoi-viet-249009.html

Nhiều lần thất bại

Với tấm bằng loại giỏi ngành sư phạm Hoá học – Đại học Đà Lạt nhưng anh Kiều Văn Hiệp không chọn theo nghiệp nhà giáo mà quyết định xuống TP.Hồ Chí Minh khởi sự. Năm 2004, anh Hiệp gom hành lý cùng chiếc xe gắn máy chạy thẳng về thành phố tìm phòng trọ và được nhận việc vào làm cho một công ty sản xuất sơn của Úc.

“Không như mình nghĩ, tốt nghiệp đại học với bằng đỏ thì đi làm văn phòng, nhận lương cao mà công việc của một nhân viên mới thử việc y hệt lao động phổ thông. Cũng cầm súng sơn, bê đồ và rất nhiều việc nặng nhọc khác. Nhưng lúc đó mình không nghĩ ngợi gì, cứ có việc làm là vui. Sau thời gian thử thách gần 2 năm thì mình cũng lên được chức vụ quản đốc nhà máy”, anh Hiệp chia sẻ.

Anh Kiều Văn Hiệp giới thiệu sản phẩm với đối tác.

Anh Kiều Văn Hiệp giới thiệu sản phẩm với đối tác.

Dù thu nhập cao nhưng môi trường làm việc gò bó, nhiều lần anh muốn tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Năm 2006, nghề làm đá hoa cương khá thịnh, anh Hiệp quyết định nghỉ việc và cùng một người anh có tay nghề ở quê mở xưởng tại tỉnh Bình Dương để khởi nghiệp. Thời gian đầu, các dự án anh nhận được khá hời, có dự án lên tới 200 triệu đồng. Nhưng sau đó, vì bất đồng trong cách quản lý nên anh Hiệp bàn giao xưởng đá hoa cương lại cho người anh và tìm hướng đi riêng.

Sau đó, chàng thanh niên này lại tiếp tục xin vào làm việc cho một công ty sơn nước ngoài, được đưa đi Indonesia đào tạo chuyên môn. Bắt đầu lại, anh cũng đi từ thợ sơn rồi lên đến chức vụ tư vấn khách hàng và tiếp thị công nghiệp. Năm 2010, trong lúc đang làm công ty, anh Hiệp cũng khởi nghiệp thêm với mô hình quán cà phê tại TP.Hồ Chí Minh. Cũng như lần trước, chưa có kinh nghiệm vận hành lĩnh vực dịch vụ, anh lại thất bại và chịu lỗ hơn 200 triệu đồng.

Rất may lần này, anh Hiệp vẫn duy trì công việc ở công ty sơn. Thất bại trong lần khởi nghiệp thứ 2 khiến anh lao vào kiếm tiền nhiều hơn. Anh trở thành quản lý kinh doanh cấp vùng, mang về nhiều hợp đồng hàng chục tỷ đồng từ những dự án lớn. Nghĩ mình có kinh nghiệm tư vấn, năm 2013, anh mở cửa hàng bán sơn, đầu tư hơn 100 triệu đồng. Lần này, anh cũng đóng cửa sau vài tháng kinh doanh thua lỗ.

Quay về khởi nghiệp từ chuyên môn

Anh Hiệp chia sẻ: “Với 3 lần khởi nghiệp thất bại, tổn thất hàng trăm triệu đồng nhưng cái mình nhận được rất lớn. Đó là những kinh nghiệm về quản lý nhân sự, quản lý dòng tiền và vận hành mô hình kinh doanh. Dù người ta nói “quá tam ba bận” nhưng mình xác định phải làm điều gì đó cho bản thân nên càng thất bại, máu khởi nghiệp càng gia tăng. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm ngành sơn, cái mình giỏi nhất là sơn, từ vận hành sản xuất, kinh doanh, nên mình tiếp tục khởi nghiệp với mô hình kinh doanh này”.

Năm 2016, anh Kiều Văn Hiệp quyết định mở công ty TNHH sản xuất và thương mại Vietpaint tại quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Ban đầu, đơn vị nhận sơn gia công chất liệu gỗ cho các công ty xuất khẩu nội thất.

Với 3 lần khởi nghiệp thất bại, tổn thất hàng trăm triệu đồng nhưng người thanh niên xứ cát Duy Nghĩa vẫn không nản lòng.

Với 3 lần khởi nghiệp thất bại, tổn thất hàng trăm triệu đồng nhưng người thanh niên xứ cát Duy Nghĩa vẫn không nản lòng.

Dù ký được nhiều hợp đồng nhưng công ty lại gặp khó khăn vì bị đối tác giam công nợ trong thời gian dài. Mặt khác, công việc ở công ty sơn mà anh Hiệp làm lâu nay càng ngày càng đưa chỉ tiêu cao nhưng mức hoa hồng không tương xứng. Nhận thấy tình hình Vietpaint ở bờ vực nguy hiểm và quyết tâm không để thất bại như những lần đầu tư trước, anh Hiệp nghỉ việc, dồn toàn tâm toàn lực cho công ty của mình.

Nhận chuyển giao công nghệ sản xuất sơn của Đức, năm 2019, anh Hiệp quyết định xây dựng nhà máy tại một khu công nghiệp ở Bình Dương với quy mô rộng 1.000m2. Từ đây, một dây chuyền sản xuất sơn được ra đời với nhiều tâm huyết của người thanh niên xứ cát Duy Nghĩa.

“Qua nhiều năm kinh nghiệm, tiếp cận với nhiều công nghệ sơn của các nước Đức, Úc, Indonesia, Nhật Bản,… nhưng mạnh về hoá chất nhất vẫn là công nghệ Đức, máy móc vận hành cũng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu đầu ra. Vì vậy mình đã lựa chọn công nghệ này để phát triển cho các dòng sơn”,  anh Hiệp nói.

Thời điểm này, Vietpaint sản xuất các loại sơn trên mọi chất liệu như gỗ, tường, kim loại, nền công nghiệp, sơn chống thấm. Với lĩnh vực sơn gỗ, đơn vị là đối tác của nhiều công ty lớn, trong đó có Sen Decor – một công ty chuyên sản xuất và thi công đồ gỗ nội thất với nhiều dự án khu villa, resort, khách sạn, nhà hàng lớn trên cả nước.

Thị trường sơn của Vietpaint không chỉ là các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh mà còn có ở Quảng Ninh, thủ đô Hà Nội,… mang về doanh thu trung bình hằng năm gần 30 tỷ đồng. Hiện nay, công ty của anh Hiệp đang giải quyết việc làm cho gần 30 lao động thường xuyên với mức lương từ 12-25 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Hiệp, tuy có mặt trên thị trường cả nước nhưng hiện tại sản phẩm của Vietpaint đang dừng lại ở quá trình cung cấp cho đơn vị thi công dự án, chứ chưa đưa ra bán lẻ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, trong quá trình phát triển sự nghiệp, anh Hiệp mong muốn được đóng góp một phần nào đó trong khả năng của mình để giúp đỡ, xây dựng quê hương.

“Vietpaint luôn sẵn sàng đồng hành cùng chương trình tặng nhà tình thương tại Quảng Nam. Nếu địa phương xây dựng nhà tình thương, Vietpaint sẽ tài trợ miễn phí 100% nguyên liệu sơn toàn bộ căn nhà”, anh Hiệp khẳng định.